http://matcuoi.com http://matcuoi.com

Search blog

26/12/09

Công bố kết quả khai quật khảo cổ học di tích đền Cầu Từ lần thứ hai

KTĐT - Viện Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao tỉnh Bắc Giang vừa công bố kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học di tích đền Cầu Từ ở thôn Cầu Từ, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lần thứ hai- năm 2009 ( trước đó, công bố đợt 1 vào năm 2007) . Đây là một sự kiện văn hóa, khảo cổ học có ý nghĩa hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; góp thêm những tư liệu quý báu về lịch sử hình thành, phát triển và mối liên hệ chặt chẽ giữa nền văn hóa Kinh Bắc với văn hóa Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội từ nghìn năm nay.

Nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ học sau những kết quả khảo cổ học gần đây đã ví di tích đền Cầu Từ, rộng hơn là khu vực thuộc Châu Lạng khi xưa (Bắc Giang ngày nay), là một "Hoàng thành Thăng Long nơi ải Bắc". Kết quả khai quật lần 2 này đã cho thấy những hiện vật khảo cổ học có giá trị như gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, đá kè, móng trụ sỏi, con đường lát gạch hoa chanh... có niên đại thời Lý, Trần (thế kỷ XI - XIII). Trong đó có một viên gạch có dòng chữ "Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo" (chế tạo năm Long Thuỵ Thái Bình 4 (1057) thời vua Lý Thái Tông). Sử sách còn ghi chép, các thời vua Nhà Lý sau khi rời đô về kinh thành Thăng Long năm 1010 đã coi trọng việc gả con gái cho các tù trưởng ở phía Bắc để tăng cường thế lực, bảo vệ vùng biên ải đất nước. Chính vì thế các thế hệ họ Thân ở vùng Kép (Bắc Giang ngày nay) đã có 3 đời là phò mã của Vua Lý, trong đó tướng quân Thân Cảnh Phúc (Vũ Thành), là con trai của phò mã Vũ Tỉnh và công chúa Bình Dương, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc giúp Vua Lý chống quân Tống xâm lược những năm 1075-1077. Di tích đền Cầu Từ hiện nay chính là nơi thờ công chúa Bình Dương và tướng Vũ Thành. Những phát hiện khảo cổ học gần đây đã minh chứng điều này và khẳng định thêm những vết tích kiến trúc còn lại tại đây cũng chính là những trị sở, dinh thự của các quan lại cao cấp trong Hoàng tộc Nhà Lý và Nhà Trần, nhiều nét kiến trúc gần tương tự như ở kinh đô Thăng Long - Đại Việt khi đó.

Tại buổi công bố này, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khảo cổ học đã thống nhất tiếp tục thực hiện các chương trình nghiên cứu, khảo cổ học trong thời gian tới theo hai giai đoạn, nhằm tìm hiểu tổng thể các công trình kiến trúc tại khu vực này; từ đó có đánh giá một cách chính xác và đầy đủ nhất về những giá trị lịch sử của di tích và xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy lâu dài.

Không có nhận xét nào: